- Tên gọi: 超次元ゲイム ネプテューヌ Sisters vs Sisters – Hyperdimension Neptunia Sisters vs Sisters
- Hệ máy: Ps4, Ps5
Sau 7 năm chờ đợi kể từ khi Megadimension Neptunia VII được ra mắt hồi 2015, cốt truyện tại chiều không gian Hyperdimension, main series của dòng mới được viết tiếp.
Hyperdimension Neptunia Sisters vs Sisters là phần game thứ 5, diễn ra sau các sự kiện ở các phiên bản main series trước đó, ngoài ra đây cũng là phiên bản thứ 2 khi Nepgear giữ vai trò nhân vật chính.
Mặc dù dòng Neptunia đã có nhiều lần thử nghiệm với gameplay Action RPG nhưng Hyperdimension Neptunia Sisters vs Sisters là phiên bản đầu tiên trong Main series làm điều này, đây cũng là lý do mà game được nghĩ là 1 Spin off.
Trái ngược với các bài review trước đây, bài viết về Hyperdimension Neptunia Sisters vs Sisters ít nhiều sẽ chứa spoil, vì thế hãy cân nhắc nếu bạn không muốn phá hỏng trải nghiệm của bản thân.
Cốt truyện: Điểm sáng hiếm hoi Duy nhất
Thực sự mà nói cốt truyện là điểm sáng, thứ cứu cánh duy nhất của cả tựa game lần này. Tuy nó không thực sự hoàn hảo vẫn còn kha khá sạn, nhưng chí ít cốt truyện của game vẫn làm tròn vai trò của nó và mang đến những giờ phút trải nghiệm đáng nhớ.
Từ trước đến nay dòng game Neptunia vẫn luôn là 1 tấm gương phản chiếu lại thế giới thực tại của chúng ta với một góc nhìn hài hước và cực kỳ Moe. Tựa game lần này cũng không ngoại lệ, khi thực tế thì hiện nay Game Mobile đang lấn chiếm thị phần lớn về độ phủ sóng và người chơi, vượt xa các phương tiện chơi game truyền thống như PC hay Console thì tại Gamindustri cũng đánh dấu sự xuất hiện của Smartphone mang tên Magiphone và sự thống trị của nó, khi mà người người nhà nhà bất cứ ai cũng sở hữu cho mình 1 chiếc Magiphone và gần như không thể tách rời khỏi nó.
Và vì là một tấm gương phản chiếu về thế giới thực tại nên không khó để tìm thấy những quả trứng về các tựa game ngoài đời thật, 1 điều không thể thiếu trong bất cứ phiên bản Main series nào của game. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra những Eater Egg về Pokemon Go, Kimetsu no Yaiba, Shenmue hay Fornite. Thậm chí Game còn cà khịa vụ PS5 luôn cháy hàng trên toàn thế giới, và đặc biệt ở Nhật người chơi cần phải thông qua bốc thăm trúng thưởng để nhận được quyền mua máy. Và tại Gamindustri việc sở hữu chiếc PS5 cũng vô cùng khó khăn khiến Nep phải nịnh nọt, nài nỉ Noire tặng mình PS5. Không chỉ riêng Eater Egg về các tựa game, với một thế giới nơi Smartphone thống trị thì các thói quen khi dùng di động cũng được nhắc đến, ví dụ như thói quen tự sướng đến quên cả ăn mỗi khi có một món ăn ngon lành được bày ra trước mắt. Tất cả chúng là một gia vị thêm nếm cần thiết để tô điểm thêm và mang lại những giờ phút thư thái trong một cốt truyện không quá mức đặc sắc và dễ đoán của game.
Dễ đoán, thực sự là vậy. Cốt truyện trong Hyperdimension Neptunia Sisters vs Sisters rất dễ đoán, cho đến bước ngoặt lớn đầu tiên của game bạn hoàn toàn có thể dự đoán được điều gì đang và sẽ xảy ra. Trong những năm trở lại đây, nếu thưởng thức các bộ phim, truyện, novel hoặc những đầu game khác thì bạn sẽ chả còn lạ lẫm gì với việc yếu tố Time Travel – Time Loop được lạm dụng đến mức ngán ngẩm, thế nên khi điều đó xảy ra trong SvS bạn hoàn toàn sẽ chả thấy có chút nào bất ngờ vì nó “Đúng như những gì đã dự đoán”
Mặc dù không phải là 1 người am hiểu sâu về yếu tố vòng lặp thời gian, nhưng như chính Histore đã nói, dù có thay đổi quá khứ thì thực tại cũng sẽ không được sửa đổi mà sẽ tạo ra 1 nhánh thời gian khác nơi tương lai là hệ quả của việc thay đổi quá khứ hình thành và thực tại tàn khốc vẫn luôn còn đó. Điều này gần như khẳng định sẽ chẳng bao giờ có một cái kết có hậu thực sự cho tựa game này, nơi vẫn sẽ có những thế giới bị tàn phá, thế giới gốc và những thế giới là kết quả của những lần sửa lại quá khứ thất bại. Và chính điều này cũng tạo ra lỗ hổng rất lớn ở True Ending của game, khi Nepgear sửa lại quá khứ lần sau cuối, cô tạo ra một thế giới mới nơi Happy Ending thực sự xảy ra, thế nhưng nếu như theo Histore nói thì sẽ phải có 1 thế giới mới được tạo ra, vậy thì tại thế giới đó khi mà chẳng ai nhớ gì về những gì đã xảy ra ngoại trừ Nepgear sẽ phải tồn tại 2 Nepgear và tạo ra Paradox – Nghịch lý thời gian và xuất hiện các hiện tượng thảm họa như bình thường, đồng thời thế giới gốc cũng sẽ mất đi một Nepgear vì cô hiện đang sống ở True Ending, thay vì mọi người hạnh phúc sống với nhau mãi mãi.
Tiện nói đến Ending thì game mang đến 3 Ending cho người chơi là Bad End, Normal Ending và True Ending. Về mặt Ending của game thì nó thực sự đáng thất vọng. Nhìn chung cả 3 Ending không khác nhau quá nhiều về mặt tổng thể thế nhưng Bad End tạo cảm giác cực kỳ gượng ép, khi nó phá hủy hoàn toàn hình tượng nhân vật của Maho, phá hỏng toàn bộ những gì mà 11 chapter trước đó đã xây dựng về cô, nếu đi theo Bad End bạn sẽ còn thấy nó cực kỳ vô lý đến mức đạp đổ hoàn toàn tâm tư và sự nỗ lực của Maho suốt hơn 10000 năm dài đằng đẵng. Còn nói về Normal End và True End thì……ờm đơn giản chúng là 1, không 1 khác biệt. True End chỉ đơn giản giống như một đoạn After Credit của Normal End. Nó cho thấy sự lười biếng không hề nhẹ đến từ kịch bản của game.
Tuy nhiên với những ai yêu thích điều gì đó nhẹ nhàng và một happy end, thì True End có thể vẫn sẽ khiến bạn hài lòng, một chút mãn nguyện khi cuối cùng các nhân vật cũng tìm được sự yên bình và hồi kết có hậu cho mình.
Tiếp đến là tuyến nhân vật thì Maho và Anri thực sự là những điểm sáng của SvS, cả 2 được xây dựng có chiều sâu, đấu tranh nội tâm nổi bật. Bước ngoặt về thân thế của Anri là một trong những điều hiếm hoi của game mà bạn gần như không thể đoán được. Còn với Maho, ngay từ đoạn Prelude đầu game, Compa đã cố tình spoil rằng Maho là em gái của Gray Sister, có thể khiến bạn tự hỏi “cái quái gì đang xảy ra thế? Nhà làm game tự spoil sao? Thế thì còn gì đáng mong chờ?” để rồi nhận ra rằng bạn đã hoàn toàn bé cái nhầm, và rồi càng về cuối câu hỏi to đùng Maho thực sự là ai sẽ là sự phấn khích rất lớn để bạn tiếp tục nắm chặt tay cầm mà đi hết tiến trình cốt truyện của game.
Mặc dù được xây dựng kĩ lưỡng và để lại dấu ấn lớn đến vậy, nhưng cho tận đến thời điểm hiện tại mình vẫn không thể loại bỏ khỏi đầu rằng Anri là Origami và Maho là Touka. Không chỉ từ ngoại hình được thiết kế na ná, mà đến tính cách, cách nói chuyện, tông giọng cũng rất nhiều điểm tương tự. Chưa kể background cuộc đời của Anri chẳng khác gì một Origami thứ 2. Những yếu tố này cho mình cảm giác việc xây dựng nhân vật tương đồng như thế này hoàn toàn là một chủ đích của Compa và nó chẳng Neptunia 1 tí nào cả.
Tuyến nhân vật trong game được xây dựng “cực cực kỳ yếu” Mặc dù được gọi là Sisters Vs Sisters, cốt truyện các cô em gái, thế nhưng thực sự game chỉ xoay quanh Nepgear, Maho và Anri mà thôi. 3 CPU Candidate còn lại gần như chẳng có đất diễn, kiểu thêm vào cho có ở 1 vài đoạn hội thoại. Và đến các nhân vật chủ chốt còn chả có đất diễn thì dĩ nhiên các nhân vật khác cũng làm gì có cơ hội tỏa sáng. Từ các CPU cho đến các nhân vật quen thuộc khác như Iffy Compa hoàn toàn mờ nhạt và bị bỏ xó khá nhiều. Thậm chí với Compa phải đến tận Chapter 8 bạn mới được nghe giọng cô nàng. Và cũng chẳng kể đâu xa, với một người bộ 3 chủ chốt là Anri, chỉ sau Plot Twist cực bất ngờ về cô thì từ đó trở đi, Anri cũng chẳng còn nhiều đất diễn và gần như bị bỏ quên, nhường hoàn toàn lại sân chơi cho Nepgear và Maho.
Game lần này mang lại 2 Maker hoàn toàn mới là Shanghai Alice và Higurashi When They Cry, 2 nhân vật được xây dựng tính cách khá hay ho và đáng yêu. Thế nhưng hỡi ôi nếu dàn nhân vật chính còn chẳng có đất diễn thì 2 cô nàng này làm sao tìm được ánh hào quang, mặc dù sẽ là điểm cộng rất lớn 2 cô nàng dễ thương này được khai thác nhiều hơn và đóng vai trò lớn hơn trong cốt truyện thay vì chỉ góp mặt hầu hết ở các Sub Story, thứ mà vốn chẳng hề có lồng tiếng.
Nói đến tuyến nhân vật thì không thể nào bỏ qua được phản diện chính của game là Arfoire. Dòng game Neptunia từ trước đến nay đều có những phản diện vô cùng ấn tượng, và động cơ và nội tâm có chiều sâu ở từng phiên bản chính và thậm chí một vài người còn được yêu thích hơn cả các nhân vật chính, từ Arfoire ở bản đầu cho đến “lại là” Arfoire ở bản 2, Rei ở Victory hay đơn cử Kurome ở VII. Thì Arfoire ở bản SvS này quá mờ nhạt, chỉ giống cho vào để game có phản diện. Có lẽ nhiều người cho rằng việc khai thác đi khai thác lại Arfoire là nhàm chán, cá nhân mình không cho là thế nếu như nhân vật vẫn đủ tốt. Cốt truyện của game diễn ra ở Hyperdimension vì thế Arfoire là 1 thực thể cổ đại tồn tại chỉ với mục đích hủy diệt thế giới, 1 thực thể “Không thể bị tiêu diệt hoàn toàn”. Với một dạng thực thể như này bạn có thể gặp ở rất nhiều các tựa game khác nhau, hay thậm chí chính là phiên bản Rebirth 2 vì cùng là 1 người. Thế nhưng với một thực thể tồn tại không có động cơ, mục đích tất cả chỉ nhằm hủy diệt, thì sẽ cần có các vệ tinh xoay quanh để tô điểm. Có lẽ chẳng quá khi nói rằng phản diện thực sự của Rebirth 2 là CFW Magic, và bên cạnh đó còn có Trick, Brave, Destroy những phản diện được xây dựng tính cách, động cơ và cái tôi rõ rệt. Thế nhưng ở SvS chúng ta có gì? chỉ là 1 Arfoire chỉ tồn tại nhằm phá hủy….chấm hết. Ở Chapter 4 khi gặp Arfoire ở dạng người, Iffy cũng đã băn khoăn đây giống với Arfoire của Ultra hay Zero Dimension và Arfoire này là ai. Thế nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó, có vẻ chính Compa cũng đã quên rằng Arfoire ở Hyperdimension là 1 con quái vật chỉ tồn tại ở 2 dạng DDos và True Arfoire chứ không hề có nhân dạng.
Cuối cùng một thiếu sót cực lớn và khó có thể chấp nhận được là cốt truyện của game quá thiếu tiếng cười, có lẽ chẳng có nổi khoảng khắc mình bật cười khi chơi SvS điều đáng ra phải là yếu tố chủ đạo của dòng. Các câu đùa vốn đã ít còn nhạt, bạn còn chẳng gặp được cảnh các CPU cà khịa lẫn nhau, hay thậm chí chẳng được nghe điệu chửi bậy thân thương của Blanny.
Nhìn chung cốt truyện của SvS còn nhiều sạn, không quá đặc sắc nhưng đủ hấp dẫn để bạn phải bỏ thời gian hoàn thành hết game. Thế nhưng từ dàn nhân vật chính, phụ cho đến phản diện tất cả chỉ góp mặt cho vui, làm nền cho bộ 3 Nep-An-Ma tỏa sáng là một điểm trừ cực lớn với cốt truyện của game
Gameplay: VỚ VẨN!? Liệu nó có đáng gọi là Gameplay?
Hyperdimension Neptunia Sisters vs Sisters đã loại bỏ hoàn toàn cơ chế theo lượt để đi theo một lối combat mới là Action RPG trong một Battle Field nhất định. Thế nhưng chẳng cần phải vòng vo hay nói giảm nói tránh nó là 1 sự thất bại toàn tập.
Game mang đến cho bạn khả năng chain combo giữa các nhân vật nhằm nối dài chuỗi combo, mỗi nhân vật có 1 bình AP (Action Point) với mỗi hành động sẽ tiêu tốn một lượng AP nhất định, vì thế kết hợp đòn đánh, Skill cùng swap qua lại nhân vật để có thể tạo ra chuỗi combo bất tận khiến kẻ thù bất tỉnh đến chết. Về cơ bản thì đúng là thế, bạn sẽ dễ dàng khiến 1 kẻ thù, hoặc 1 boss bất tỉnh đến chết. Bản thân mình thì thấy gameplay của SvS học hỏi khá nhiều từ dòng Tales of và đặc biệt cực kỳ giống bản gần nhất là Arise, cơ mà được thế thì đã tốt.
Combat trong game là 1 chuỗi khó chịu và nó phèn đến vô cùng cực. Bạn sẽ không thể thực hiện được combat hay chuỗi động tác liền mạch, không thể guard khi đang tấn công, không thể dodge khi đang tấn công, bạn chẳng thể làm 1 cái quái gì khi đang làm 1 điều khác, và bất cứ thứ gì cũng mất đến tầm 1s delay. Nhiều khi chính vì cái sự delay ngu dốt này khiến bạn bay sạch thanh hóa CPU mà không kịp ra ExE Drive vì con nhân vật ngu dốt vẫn còn chưa kết thúc animation tấn công và kể cả kết thúc xong nó cũng phải đứng im tầm 1s đợi trước khi tiếp tục động tác mới mặc dù trong khi bạn đang giữ phím như điên như rồ.
Thế nhưng với cái gameplay củ chuối như thế đi chăng nữa thì bạn cũng chẳng phải lo mình gặp khó khăn khi chơi đâu vì độ khó của game bằng 0 chính xác là 0 tròn trĩnh. Bọn quái trong game về cơ bản chỉ biết đứng im đợi bạn hành hạ mà thôi, đôi khi bạn đứng im đợi chúng nó đánh để hoàn thành 1 vài trophy cần thiết còn cảm giác chán nản đến bất lực khi thời gian để ra được 1 đòn đánh của quái dài như cả 1 thế kỉ. Ngoại trừ quái robot dạng người và Bit thì tất cả quái trong game đều ngu si như nhau, đứng im chịu trận đến chết. Và các màn đánh trùm còn ngán ngẩm hơn vì khi đánh trùm sẽ là 3vs1 nên nó sẽ bị đánh đập bất tỉnh cho đến chết mà chẳng thể động ngón tay làm bất cứ thứ gì. Đặc biệt nếu chuyển sang HDD Form nơi lượng dame của nhân vật được tăng 1 cách lố bịch cùng khả năng không bị ngắt combo khi dính đòn thì bạn sẽ ngỡ ngàng nhận ra có khi mình đã “lỡ tay” hóa vàng xong boss mà còn chưa kịp dùng ExE drive để “ngắm”, thế nên mọi trận đánh boss từ dễ đến khó đều dễ hơn đánh quái.
Ngoại trừ các Dungeon ở mạch truyện chính game còn đem đến 2 khu vực khác cho người chơi thử nghiệm là Bonus Dungeon Neptral Tower và Đấu trường. Với Neptral Tower thì đây là 1 Dungeon với 100 tầng và cứ mỗi 10 tầng là 1 con boss đứng đợi sẵn. Thế nhưng chỉ sau tầm 2-3 Dungeon đầu tiên bạn sẽ thấy boss nó yếu đuối đến mức nào, nói không ngoa khi lên đến tầm tầng 70+ thì boss còn yếu hơn cả quái thường trong dungeon. Khi các trận đánh quái trong Neptral Tower luôn là 3vs6 mà các con quái dạng robot về sau thực sự rất rất trâu, có khi phải lên đến vài cạn sạch AP mới giết nổi, thế nhưng chẳng còn boss nào thậm chí boss tầng 100 chịu nổi 1 lượt swap nhân vật tương đương với 3 chain của bạn. Điều này khiến bạn chẳng còn hứng thú gì khi khám phá Dungeon nữa, đơn giản là chạy 1 mạch từ đầu đến cuối hang tìm điểm dịch chuyển, trên đường thấy cái hòm nào thì nhặt rồi cố gắng chạy 1 mạch đến boss, hoàn thành xong 100 tầng hết. 1 quãng thời gian cực cực kỳ lâu tầm 4-5 tiếng đồng hồ mà nhàm chán.
Còn đấu trường sao, bản thân mình chẳng biết nhận xét gì về em nó vì đơn giản chúng nó vừa yếu vừa vô dụng mà phần thưởng cũng vô giá trị. Nên không phải vì cày trophy chắc mình cũng chẳng buồn vào. Và để tô điểm cho cái độ dễ của mình, game lên level rất nhanh chỉ sau 2-3 trận đánh, vì thế chỉ khoảng chapter 5 trở đi mình đã không buồn mua vũ khí cũng như accessory mới cho các nhân vật nữa vì nó thực sự không cần thiết. Nếu đi Dungeon thấy đồ mới thì xài không thì thôi vì đám quái chả thể nào gây khó dễ được cho bạn cả. Ngoài ra hầu hết các nhân vật đều có khả năng hồi phục, còn không thì item cũng khá thừa thãi nên việc mua bình máu cũng gần như ko xảy ra.
Bạn sẽ cần khoảng 30h để hoàn thành hết game và 50h để đạt Platinum trophy, thế nhưng con số 30h và 50h kia thì “Mình xin phép mượn lời của Trường trong bài review Final Fantasy VII Remake” tất cả mọi thứ trong game đều mang tính Filler, nó là dạng chất độn trong thực phẩm dành cho chó mèo, tức là hoàn toàn chẳng có tí giá trị dinh dưỡng nào ngoài việc làm tăng trọng lượng thực phẩm. Mọi thứ trong tựa game này đều cố làm cho game dài ra và tốn thêm thời gian của bạn. Nếu 30h là hoàn thành xong hết game và còn mỗi cái Trophy yêu cầu giết 10000 con quái. Thì nói đơn giản nếu bạn chăm chỉ đánh quái (Quái ở dungeon thường chỉ xuất hiện tối đa 4 con 1 trận) và đi hết 100 tầng Neptral Tower số quái bạn giết được là khoảng 2000, và để farm đến 10k con bạn phải lặp đi lặp lại công việc nhàm chán đánh quái thêm 20h đồng hồ nữa.
Tiếp đến bản đồ các dungeon của game cực rộng, rộng hơn hết thảy các game Nep từ trước đến giờ, nhưng về cơ bản thì nó có cái quái gì đâu, bạn phải chạy hộc mặt sang 1 khu vực lớn tiếp theo trong dungeon thì mới có 1 điểm đánh quái duy nhất. Và với 1 vài nhiệm vụ yêu cầu giết khoảng 20 con quái trong khi quái xuất hiện random thì việc chạy đi chạy lại 1 dungeon tìm giết con quái cần thiết nó cũng ngốn của bạn cả giờ đồng hồ 1 cách nhảm nhí. Dungeon trong game cũng được chia làm nhiều khu vực cao thấp khác nhau được nối bằng cách cầu thang để leo lên cũng như các khu vực sau đều bị chặn bởi cách cánh cửa, thứ yêu cầu bạn phải tìm và mở khóa ở 1 nơi nào đó, thế nhưng tin mình đi nó hoàn toàn vô giá trị chẳng có tí tính giải đố nào mà chỉ làm bạn mất thêm thời gian mà thôi. Đôi khi nhìn cách nhân vật leo lên cái cầu thang cũng đủ khiến mình phát cáu và tự hỏi sao nó không nối liền hoặc đơn giản cho nhảy lên là được. Nơi duy nhất có tính giải đố trong game là Dungeon dạng nối giữa các chiều không gian, dungeon toàn là các ô vuông. Nơi bạn phải đẩy nhưng hộp vuông vào điểm thích hợp trên sàn để mở cửa, thế nhưng bạn sẽ thấy trò cố làm game dài ra 1 cách lố bịch của Compa ở khoản này, khi đẩy hòm nhân vật sẽ không giữ rồi kéo hoặc đẩy liền mạch, mà phải đẩy 1 ô, buông tay nghỉ 1 tí rồi đẩy tiếp 1 ô, nghỉ….
Số lượng Dungeon trong game cũng vô cùng ít ỏi, chỉ có tổng cộng khoảng 7 dungeon chính theo mạch cốt truyện, nói chung công thức của 1 chapter trong game gần như chỉ đơn giản là, bắt đầu chapter xem hết hội thoại của main story, xem side story nếu muốn rồi vào 1 cái dungeon đi hết nó và hết chapter, cực lười biếng và nhàm chán. May mắn gỡ gạc lại 1 chút để người chơi đỡ phải hành xác quá nhiều trong việc chạy từ đầu Dungeon để kiếm quái hoặc nhặt 1 món đồ thì từng khu vực sẽ có 1 save point riêng và mỗi điểm save point sẽ mang lại khả năng Fast travel, bạn có thể bắt đầu Dungeon ở bất cứ save point nào mà mình muốn.
Không chỉ dừng lại ở độ delay trong combat, việc mở Menu của game cũng khá vất vả khi nó cũng phải tốn đến khoảng 3 giây để load xong, việc mà mình còn chả gặp phải khi thưởng thức những tựa game nặng nề hơn. Tiếp đến việc thay đổi trang bị của các nhân vật hoàn toàn không theo kịp nổi thao tác của người chơi, việc chuyển tab giữa các nhân vật cần khoảng 1s để nhân vật hiện ra, và nếu như ngay khi chuyển đổi nhân vật mà bạn thao tác thay đổi trang bị thì phải tầm 2-3s sau nhân vật và trang bị vừa thay đổi mới hiển thị.
Game không hề có tính năng Auto Dash hoặc chí ít là 1 nút để làm việc đó, nhân vật sẽ bắt đầu di chuyển với việc từ từ chạy rồi sau tầm 4-5s mới chuyển sang Dash điều này đôi khi gây khó khăn để Surprise Attack vì bạn có thể lỡ đâm sầm vào quái nếu không căn đúng thời gian nhân vật Dash, và khi đang Dash mà nhân vật thực hiện 1 động tác khác như phá cái hòm chắn trước mặt lại thì sẽ trở lại với điệp khúc chầm chậm chạy rồi mới Dash. Ngoài ra việc thay đổi góc nhìn camera cũng khá chấm hỏi khi thay đổi trong cài đặt xong bạn sẽ phải load lại game thì nó mới áp dụng, trong khi nhiều tựa game còn gán tính năng này cho 1 phím bấm.
Cuối cùng khi mà việc mở Menu đã khá ức chế vì tốc độ load chậm chạp thì game không hề có thông báo khi bạn hoàn thành một nhiệm vụ nào đó hay như hiển thị tiến trình đang thực hiện được, vì thế nếu muốn kiểm tra bạn chỉ còn cách mở Menu và chờ nó load mà thôi.
Nhìn chung miêu tả đơn giản gameplay của SvS là bản hòa tấu giữa sự giật cục và chậm chạp đến mức khó chịu.
Cảm nhận: Hình Âm Nhạt Nhòa
Không thể phủ nhận rằng đồ họa của game tươi sáng và đẹp hơn những người tiền nhiệm rất nhiều, model nhân vật và các boss được làm sắc nét và chi tiết. Mặt nước cũng sống động và phản chiếu lung linh khi có ánh nắng chiếu xuống, bề mặt vật thể khi vách đá cũng mang lại cảm giác như chúng làm bằng đá thật. Tiếp đến hiệu ứng cháy nổ của các chiêu thức hay skill cũng rất sặc sỡ và bắt mắt, khiến từng đòn đánh của nhân vật trông thực sự mạnh mẽ và hoành tráng.
Thế nhưng những vật thể như cây cỏ lại trông khá giả như những đồ nhựa được đặt vào, nó chẳng ăn khớp với bản thân cái mặt đất nơi nó mọc ra. Nếu như ở trên mình đã nói rằng game chỉ có khoảng 7 Dungeon chính + Neptral Tower thì sự lười biếng này còn nhân cao hơn nữa khi tất cả các Dungeon chỉ là bản sao của nhau. Ngoại trừ 3 map có thiết kế riêng biệt là Gamindustri Graveyard, khu nghiên cứu và nơi phong ấn Gehaburn thì còn lại chúng chẳng có sự khác biệt nào. Không chỉ về thiết kế y hệt mà đến cấu trúc đường đi trong Dungeon cũng “hoàn toàn y hệt”, điểm tạo nên sự khác biệt giữa chúng chỉ là các Dungeon khác nhau thì bạn sẽ có vị trí bắt đầu khác đi 1 chút để mang lại cái cảm giác giả tạo rằng chúng là những dungeon khác nhau, chỉ thế mà thôi. Còn cái Neptral Tower ư, nó chỉ là một tổ hợp toàn bộ các dungeon của game mà thôi chẳng có 1 chút khác biệt, mà gọi là tổ hợp nghe cho có vẻ hoành tráng chứ về cơ bản thì game có nổi mấy thiết kế map khác nhau đâu.
Một điểm thú vị trong SvS chính là Compa đã xây dựng một Planeptune vô cùng rộng lớn với nhiều khu vực khác nhau từ khu dân cư, khu đấu trường, khu văn phòng làm việc cho dân công sở cho đến tòa tháp nơi Neptune sinh sống. Bạn sẽ được tự mình khám phá toàn bộ Planeptune đã rất thân thuộc từ lâu qua những background đã hằn sâu trong tâm trí qua tất cả các tựa game trước đó của dòng. Những khung cảnh đường phố, căn phòng chơi game của Neptune, phòng sinh sống của 2 chị em hay cho đến sân thượng nơi diễn ra Ending trong Mega VII….v.v tất cả sẽ được tái hiện và bạn có thể trực tiếp lang thang ở đó để mỗi khi gặp một cảnh sắc quen thuộc nào đó người chơi hoàn toàn có thể phải thốt lên rằng “A, mình biết chỗ này”.
Và điều khiến mình rất ghét và ngứa mắt trong tựa game này là Animation di chuyển ngu si của tất cả các nhân vật. Animation khi di chuyển được làm mới hoàn toàn so với tất cả các tựa game trước đó, khiến các nhân vật giờ hùng hục chạy như trâu và tay vung vẩy sang 2 bên như một cái máy. Miêu tả đơn giản nhất thì là Animation di chuyển giờ sẽ trông “Cực kỳ bánh bèo nhưng thiếu đi sự nữ tính”. Khi di chuyển hay nhảy lên thì tay nhân vật sẽ đánh sang 2 bên hoặc giơ lên trông khá cứng như một đám robot nhưng lại thiếu đi mấy động tác cần thiết để thể hiện rằng bản thân các nhân vật toàn là nữ. Nếu nhìn từ phía sau thì khi di chuyển các nhân vật sẽ chẳng khác nào đám con trai cả, độ nảy của mông khi đi hoặc di chạy, thứ cực kỳ cần thiết để phân biệt đó là nhân vật nam hay nữ thì hoàn toàn không có. Đơn cử như Berty nếu trải nghiệm lại để so sánh ở các phiên bản cũ thì ngay khi giơ tay nhảy lên cô nàng sẽ hạ tay xuống để che váy. Có lẽ sẽ khó để miêu tả hết được cái độ “Bánh bèo nhưng thiếu đi sự nữ tính” này vì thế hãy tự mình trải nghiệm video so sánh phía dưới, có lẽ bạn sẽ hiểu những gì mình muốn nói.
Cuối cùng là phần nghe trong game, nó cũng thực sự rất chán. Khi chẳng có 1 bản theme nào ấn tượng, thậm chí cả Opening lẫn cả Ending của game dù đã nghe đi nghe lại rất nhiều mình cũng chẳng thể thẩm thấu được. Điều mà chưa từng xảy ra ở bất cứ tựa game nào trước đó.
Lồng tiếng trong game giờ cũng đi xuống thấy rõ, giọng lồng tiếng của một vài nhân vật giờ sẽ mang đến cảm giác mất đi cái hồn của chính nhân vật đó. Đơn cử và dễ nhận ra nhất chính là Compa, bản thân mình đã phải mở lại một vài tựa game cũ để so sánh. Compa trong phần này có tốc độ nói nhanh và rành mạch hơn rất nhiều, mất hẳn đi cái điệu bộ kéo dài trong từng câu chữ.
Kết: Đây là Chê Game
Mặc dù phải chờ đợi đến tận 7 năm để được thưởng thức phiên bản tiếp theo trong Main series thế nhưng những gì mà SvS mang lại chỉ toàn là sự khó chịu và thất vọng.
Mặc dù biết rằng xu thế hiện tại phải là Action RPG để thu hút người chơi mới và lớp người sử dụng trẻ thế nhưng để làm ra được một gameplay phèn đến mức “trẻ con chơi còn thấy dễ này” thì không hiểu Compa có suy nghĩ gì. Về cơ bản SvS nói riêng hay Neptunia vẫn là 1 tựa game mà nếu gameplay hay yếu tố combat không đảm bảo nổi thì vô phương cứu chữa. Nếu khó khăn quá thì thà cứ bê nguyên turnbase hoặc gameplay trong mấy tựa game Action khác như 4GO hay thậm chí là 1 tựa game cổ lỗ sĩ như Neptunia U vào còn thú vị và thử thách hơn rất nhiều.
Khi mà giá game giờ đang tăng khá cao, đặc biệt là ở thị trường Nhật để sở hữu được một bản game “bất kể Digital hay Physic” trong tay bạn cần tốn đến khoảng 90USD, thì chính bản thân mình còn tự hỏi giữa 1 đống Triple A chất lượng chỉ với giá 60 USD thì thế quái nào mình lại phải tốn tiền vào con game này.
The Review
Phế Phẩm
PROS
- Được tận mắt khám phá Planeptune
- Cốt truyện ổn, có một vài Plot twist hay mang tính bất ngờ
- Maho và Anri được xây dựng khá tốt
- Model nhân vật và bề mặt vật thể thiết kế tốt. Hiệu ứng kĩ năng đẹp mắt
CONS
- Game dễ
- Nhạc chán
- Game delay và chậm đến một cách khó chịu
- Gameplay vô giá trị
- Tuyến nhân vật mờ nhạt, bị bỏ xó không có đất diễn
- Lồng tiếng mất đi bản sắc
- Phản diện vô vị