- Tên gọi: Mary Skelter Finale – 神獄塔 メアリスケルターFinale (Thần ngục tháp Mary Skelter Finale)
- Hệ máy: Ps4 và Nintendo Switch. Phiên bản tiếng Anh hiện chưa được công bố
Đây là phiên bản thứ 3 nhưng là tựa game thứ 4 trong dòng Mary Skelter.
Mary Skelter Finale chính thức đặt dấu chấm hết sau 5 năm ra mắt từ 2015 đến giờ.
Mary Skelter vốn là dòng game vô cùng được hâm mộ tại Nhật Bản với cốt truyện sâu sắc cùng thế giới quan vô cùng độc đáo, tuy nhiên game khá kín tiếng với người chơi ngoài Nhật. Chỉ có duy nhất phiên bản đầu tiên Mary Skelter Nightmares là được phát hành rộng rãi ở phương tây, còn Mary Skelter 2 chỉ được phát hành duy nhất trên Nintendo Switch tại phương Tây.
Khi gánh trên mình những tiền bản vô cùng chất lượng, vậy liệu Mary Skelter Finale có xứng đáng làm người kết thúc cho cả dòng game hay không? Hãy cùng tìm hiểu với NeptuniaVN qua bài viết dưới đây.
Cốt truyện: Hồi kết viên mãn cho một tuyệt phẩm
Cốt truyện của Mary Skelter Finale mở ra ngay sau phần True “True” Ending trong Mary Skelter Remake, khi cả nhóm giải cứu thành công Tsuu, hồi sinh Little Mermaid cùng đánh bại Jail Nightmare và hướng lên mặt đất.
Tưởng chừng một cuộc sống mới, những ngày tháng trên mặt đất yên bình sẽ chờ đón họ sau vô vàn khổ cực tại Jail dưới lòng đất thì……..không. Ngay khi vừa đặt chân lên mặt đất, trước mắt tất cả là cảnh tượng những xác người chất cao như núi, cùng một Jail khổng lồ bay lơ lửng trên trời.
Đồng thời cả nhóm bị tấn công và tàn sát bởi một nhóm 4 Thiếu nữ hành quyết – Genocide Pink, bất lực trong việc phản kháng, ngay khi tưởng chừng như mọi thứ đã kết thúc, Hikari trong dạng thiên thần đã dùng toàn bộ sức mạnh của mình để dịch chuyển toàn bộ những người còn sống tản mát đến khắp các Jail khác nhau trên mặt đất.
Tuyệt vọng, trọng thương và sợ hãi vì bị phân tán với đồng đội, tất cả vẫn phải tiếp tục đứng lên với niềm tin mong manh rằng bạn bè của mình vẫn còn sống và tất cả sẽ còn gặp lại. Cùng với một hi vọng bất diệt vào những ngày tháng bình yên mà mọi người xứng đáng được hưởng trên mặt đất.
Thế giới trên mặt đất
Điểm sáng đầu tiên không thể không nhắc đến chính là lối dẫn truyện đầy lôi cuốn quen thuộc của dòng Mary Skelter. Nếu là một người đã từng chơi qua 3 phiên bản trước, chắc bạn sẽ không còn quá lạ lẫm với tiến trình câu truyện như một cuộc điều tra với hàng vô vàn những bí ẩn của game, những bí ẩn, những câu hỏi cũ còn chưa hề được giải đáp, thì những thắc mắc mới đã nối tiếp nhau kéo đến. Điều này luôn tạo cho game một cảm giác lôi cuốn, thôi thúc người chơi không ngừng tiến lên phía trước, và trong Mary Skelter Finale yếu tố này vẫn được kế thừa một cách rất hoàn hảo. Ngay từ những giờ phút đầu tiên của game, hàng tá câu hỏi sẽ luôn lơ lửng trong đầu bạn như Mary và Chalottle là ai?, tại sao Chalottle một mực bảo vệ Alice? tại sao Genocide Pink lại không được phép giết Alice? v.v Những câu hỏi dồn dập một cách liên tiếp và số lượng của chúng không hề giảm bớt mà sẽ càng tăng lên theo tiến trình của cốt truyện sẽ khiến bạn khó có thể buông bỏ tay cầm mà mong muốn giải đáp chúng nhanh nhất để có thể vén màn bí mật ẩn giấu phía sau và thỏa mãn sự tò mò của bản thân.
Lối dẫn truyện này không chỉ giúp người chơi cảm thấy thích thú, mong muốn không ngừng khám phá mà nó còn khắc phục rất tốt nhược điểm trong các game thời gian gần đây của Compile Heart khi hội thoại quá nhiều, và dẫn truyện đầu game cho đến khi người chơi thực sự được điều khiển nhân vật phải kéo dài đến hơn 2h đồng hồ. Với Mary Skelter điều đó cũng không hề khác biệt, tuy nhiên thay vì nhàm chán nhấn phím để chuyển tiếp từng đoạn hội thoại, bản thân mình đã khá bất ngờ khi nhận ra tầm khoảng hơn 2h đồng hồ đã trôi qua. Mặc dù dài dòng nhưng sự lôi cuốn, tính căng thẳng đẫm máu và những câu hỏi xuất hiện một cách liên tiếp sẽ mang đến cho người chơi cảm giác không muốn bỏ sót bất cứ đoạn hội thoại nào mà hoàn toàn nhập tâm vào trong từng con chữ mà game đang kể.
>
Một bản sắc khác của dòng Mary Skelter chính là phần Novel ngoại truyện, thì trong bản Finale này nó vẫn được duy trì khá ổn với 33 trang Novel kèm hình ảnh minh họa sinh động.
Mary Skelter Finale mang đến rất nhiều nhân vật mới cả có thể điều khiển được lẫn NPC, tuy nhiên tất cả các nhân vật đều được xây dựng khá tốt, họ đều có những câu truyện xung quanh mình. Đặc biệt có thể kể đến những nhân vật chính hoàn toàn mới là Mary, Chalottle, Shira, Zyu. Tính cách cũng như nội tâm và sự phát triển của các nhân vật được khắc họa rõ nét từ Mary một “con bệnh” đúng nghĩa mắc chứng tự kỉ hạng nặng, một Chalottle biết tất cả về mọi người, luôn tỏ ra đầy vẻ nhân từ và là 1 chị cả của các chị cả đúng nghĩa….Hay Shira một cô bé thuộc Genocide Pink nhưng lại yếu đuối không dám xuống tay hạ sát bất cứ ai, game cũng là quá trình trưởng thành và tìm lại con người thật, cái tên thật của cô bé.
Một điều thú vị nữa trong dàn nhân vật của game chính là những nhân vật “Mới mà cũ”, những nhân vật đã từng xuất hiện trong các phần game trước mà đến giờ bạn mới có thể tiếp xúc và biết tên của họ ví dụ như cô nàng Sukui người vốn là NPC giao nhiệm vụ cho bạn trong giáo hội Mặt Trời ở phần game trước, hay rõ rệt nhất chính là Clara, một cô bé đã quá quen thuộc với người chơi trong cả 3 phần game trước, một NPC bán đồ và cũng có cả những mẩu truyện của riêng mình thì trong Mary Skelter Finale, cô trở thành một trong những nhân vật chính, Leader của 1 team và được xây dựng, khắc họa rõ nét hơn hẳn.
Sở hữu một số lượng nhân vật khá đồ sộ lên đến con số 38 với 18 nhân vật chính và 20 nhân vật phụ nhưng bạn sẽ dễ dàng nhận thấy các nhân vật đều có chất riêng của mình, không hề có nhân vật nào bị hòa tan với nhau về mặt tính cách.
Không chỉ các nhân vật mới được khắc họa tốt, mà cả dàn nhân vật cũ các Blood Maiden đã quá quen thuộc, thì giờ đây trong phần cuối này, khi mà tưởng chừng được đứng trước hạnh phúc, những ngày tháng yên bình trên mặt đất mà tất cả đã cùng mơ về. Thì dội vào họ là một gáo nước lạnh, một cảnh tượng địa ngục còn kinh hoàng hơn những gì mà họ đã trải qua dưới lòng đất, 1 cuộc thảm sát đẫm máu mà tất cả đều bất lực không thể phản kháng, bị chia cắt với đồng đội, với những người mà bản thân yêu quí. Tất cả đều hoàn toàn sụp đổ, tuyệt vọng và đánh mất niềm tin vào chính bản thân mình. Mary Skelter Finale chính là cuộc hành trình tìm lại chính mình, vượt qua bản thân của những nhân vật quen thuộc mà có lẽ người chơi nghĩ rằng mình đã quá hiểu về họ.
Nếu vốn đã quen với cốt truyện của những phần game trước, hẳn bạn sẽ luôn chuẩn bị sẵn tâm lý cho mình rằng “không thể tin tưởng bất cứ điều gì, không thể tin bất cứ bố con thằng nào” trong tựa game này vì những pha plotwist hoặc những màn cua khét lẹt ở giai đoạn cuối của game. Mary Skelter Finale làm rất tốt ở giai đoạn đầu và giữa của câu truyện, nhưng về cuối tỏ ra có vẻ khá hụt hơi. Ví dụ như thân phận của trùm cuối, hay bản chất con người thật của Shira khá dễ đoán, thậm chí chỉ từ giữa game là người chơi đã hoàn toàn có thể đoán ra được. Hay như cái lý do hủy diệt thế giới và cách thức thực hiện của trùm cuối cũng khá củ chuối khi không quá thuyết phục nếu phải so sánh với cô nàng Yandere sẵn sàng hủy diệt cả thế giới những vẫn nhất quyết không làm tổn thương 1 ai đó của phần 2.
Game cũng đưa vào yếu tố vòng lặp thời gian để giải đáp vô vàn câu hỏi từ đầu câu truyện, nó vẫn đủ hợp lý khi mà trùm cuối và Genocide Pink tuyệt đối không giết Alice cùng 1 nhân vật bí ẩn khác, nhưng nó lại thiếu thuyết phục khi cuối game trùm cuối quyết định giết tất cả mà không phải 1 nhân vật bí ẩn khác kia đầu tiên, ờ thì cô nàng có thể lựa chọn không chiến đấu mà quay ngược vòng lặp thì chúng ta lại có game để chơi tiếp mà.
Nếu như về mặt trùm cuối khá hụt hơi, thì thân phận của Zyu cùng như bí ẩn về cô vợ của anh ta sẽ là bất ngờ vô cùng to lớn đủ để thỏa mãn fan hâm mộ của dòng, một điều mà sẽ không ai nghĩ ra nổi cho đến khi được cốt truyện tiết lộ.
Nhìn chung với vai trò là người kết thúc lại toàn bộ hành trình của dòng Mary Skelter thì bản Finale đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nó khi giải thích toàn bộ những khúc mắc còn đang bị bỏ ngỏ trước đó. Ví dụ như một yếu tố nhỏ mà nếu bạn nào có từng thắc mắc như người đàn ông điên bán đồ dạo trong Jail, chỉ là một con người bình thường sao lại bình an vô sự trong Jail cũng sẽ được giải đáp ở phần cuối này.
Game cũng liên kết chặt chẽ với những phần trước ví dụ như Bad Ending của game sẽ dẫn đến phần cốt truyện Love Love Mary Skelter ra mắt cùng phần 2.
Và cuối cùng, điều mà rất nhiều người thắc mắc Mary Skelter có nghĩa là gì cuối cùng cũng đã được giải đáp trong cái kết thật sự của game. Một cái kết hoàn toàn viên mãn khi mà Jack sẽ tiến đến với 1 trong các nữ chính “à dĩ nhiên là trừ cặp hoàng tử ngực bự và công chúa lép rồi”, nó sẽ khiến người chơi thực sự mỉm cười và cảm thấy hạnh phúc thay cho họ, khi chính bạn đã là người đồng hành cùng họ suốt 1 chặng đường dài cho đến tận hồi kết. Điểm trừ duy nhất ở cái kết thực sự này là đây là một phần ADV game được đính kèm khi Pre-order game, sẽ thật thiếu sót nếu như Iffy cũng biến nó thành Pre-order mà đem nó vào phần game chính, nếu thiếu vắng phần ADV game này cái kết của game sẽ khó mang lại được cảm xúc viên mãn.
Gameplay: Chưa đủ khó
Độ khó kinh hoàng chính là một yếu tố đặc trưng nhất của dòng Mary Skelter ngay từ những tháng ngày đầu tiên với Mary Skelter Nightmares, và Finale cũng không phải ngoại lệ, nó đủ khó, đủ ức chế vì những cái chết lãng xẹt đến tức tưởi mà người chơi phải gặp. TUY NHIÊN, nó chỉ phù hợp với những người chơi mới, với những ai đã vượt qua 2 cơn ác mộng đánh số 2 và Remake thì game thực sự khá dễ thở. Minh chứng rõ nhất cho điều này là mình đã hoàn thành game với 0 lần Game over từ quái và boss trong chế độ Normal (Dĩ nhiên là không phải là không gameover, gameover bởi Blood Skelter thì nhiều, đây là 1 phần đặc sản không thể thiếu rồi).
Đánh boss trong game giờ trở nên cực kì nhàn nhã, sẽ chẳng còn những lần đành ngậm ngùi lùi bước, tiếp tục cày cuốc cấp độ với mobs rồi quay lại trả thù sau nữa, vì chúng dễ, thực sự dễ. Mặc dù 1 vài boss có hiệu ứng độc đáo như ru ngủ liên tục cả team, hay kháng hoàn toàn vật lý, hay kháng hoàn toàn phép. Người chơi vẫn hoàn toàn có thể miễn cưỡng vượt qua mà không cần phải load lại game để thay đổi trang bị, (dĩ nhiên là bạn vẫn phải đủ khỏe rồi). Ngoại trừ Guillotine, cô chị cả của Genocide Pink với những đòn AoE vật lý kinh hoàng đủ sức thổi bay thanh máu của một nhân vật phép ra, thì thực sự không có bất cứ con boss nào thực sự để lại ấn tượng với bản thân mình.
Nhiều lúc các trận đánh quái còn trở nên căng thẳng và khó khăn hơn cả những màn đánh boss. Trong Mary Skelter Finale mỗi tầng của Jail sẽ đều có những con Marchen đặc biệt sở hữu lượng máu lớn, khả năng kháng và def vượt trội (hay có thể nói là kháng hoàn toàn mức công kích phép thuật của người chơi ở mốc level của nó) kèm theo món tráng miệng là những đòn AoE mạnh mẽ, và dĩ nhiên vì chỉ là quái thường nên chúng sẽ xuất hiện cùng những Marchen khác, điều này khiến những trận đánh thực sự căng thẳng và đôi khi lựa chọn tốt nhất thay vì đốt item và mạng sống 1 cách vô ích là bỏ chạy khi gặp chúng.
Để rõ hơn bạn có thể nhìn vào hình ảnh dưới đây với con quái thường “đặc biệt” (ở trên) và Nightmare (ở dưới) trong cùng 1 Jail là Cứu Tế Ngục Tháp của game.
Game gần như sử dụng gameplay của phiên bản Mary Skelter 2 với việc tổng cộng 33 slot skill có thể mở, 1 nhân vật có thể học toàn bộ bị động của các chức nghiệp khác nhau dù họ đang trang bị chức nghiệp gì, khi một tăng điểm cho một kĩ năng thì lượng SP tiêu tốn cũng sẽ tăng lên, hệ thống Try Jail, Jail Manager v.v. Nhìn chung nếu phải so sánh 1 cách khách quan thì không có quá nhiều thay đổi trong phiên bản lần này so với người tiền nhiệm, tuy nhiên điều này cũng hoàn toàn ổn khi gameplay của phần trước có thể nói gần như đã hoàn hảo.
Một tính năng hoàn toàn mới trong phiên bản lần này chính là đám Babymares (Baby Nightmares), chúng sẽ bám vào người nhân vật khi họ chịu sát thương từ Marchen hay các bẫy trong Jail. Các Babymares này sẽ mang lại những hiệu ứng bất lợi như giảm công, giảm thủ, vô hiệu item, attack, spell. Cách duy nhất là giải trạng thái Babymare là nhân vật phải dính thật nhiều máu của Marchen, trong khi dính Babymare thanh máu biến thân của nhân vật cũng sẽ không hề tăng cho đến khi trạng thái được giải trừ. Đây là một tính năng hứa hẹn sẽ làm tăng độ khó của game, đúng là nó sẽ rất khó đặc biệt khi bạn dính phải những trạng thái như không thể tấn công, không thể dùng vật phẩm hay kĩ năng, và số lượng máu Marchen để giải trừ trạng thái này cũng không hề ít (khoảng lượng máu đủ cho nhân vật biến thân Massacre 2 lần). Đấy là nếu không việc sau mỗi trận đánh ngoài vật phẩm, tiền và kinh nghiệm thì trong Finale người chơi sẽ còn thu được cc máu Marchen. Bạn sẽ dễ dàng max 9999cc 1 cách dễ dàng và 1 lần giải trừ Babymare chỉ mất 10cc. Điều này biến Babymare trở lên vô dụng, thực sự vô dụng và không mang lại tí thử thách nào.
Nếu như trong 3 phiên bản trước, trong phần đội hình người chơi có thể sắp xếp nhân vật xuất trận và 1 partner hỗ trợ phía sau với những skill bị động hỗ trợ ứng với từng nhân vật. Thì tại Finale khi mà mỗi party đúng 5 nhân vật cùng 1 leader sở hữu Mary Gun thì tính năng này bị xóa bỏ và thay bằng hệ thống kĩ năng bị động. Đây cũng là 1 phần khiến game dễ hơn vì nếu như trước kia kĩ năng bị động partner chỉ có tác dụng cho nhân vật họ liên kết thì giờ các kĩ năng bị động này sẽ áp dụng cho cả team.
Nếu như phần 2 đã mang đến 1 Tsuu với bộ chức nghiệp hoàn toàn riêng biệt thì Finale con số đó được tăng thêm 3 với Chalottle, Mary và Shira. Giống như Tsuu những nhân vật này có bộ chức nghiệp độc đáo của riêng mình và khá mạnh hơn mặt bằng chung, cũng không lạ vì các nhân vật này nắm vai trò chủ chốt của cốt truyện, ờ thì buff 1 tí cũng không sao nếu như không có vụ Blood Skill của Chalottle phế, siêu phế, max phế. Blood Skill của cô nàng là Senrigan (Thiên lý nhãn) cho phép người chơi nhìn thấu các cạm bẫy trong Jail, nghe có vẻ rất khủng bố nếu như tác dụng của nó không phải là “Ở Jail Khu vui chơi có máy chém, ở Jail Cứu thế có những sợi xích thăng bằng” Ờ tác dụng của nó đấy, mình thực sự không hiểu ai sẽ phí SP quí giá của nhân vật cho cái Blood Skill HỮU DỤNG đến mức này.
Tuy nhiên Mary Skelter Finale cũng có nét đặc sắc của riêng mình, và đây chính là điểm sáng nhất trong gameplay của trò chơi. Yếu tố này đến từ chính cốt truyện của game khi các nhân vật bị tan đàn xẻ nghé và bắt đầu từ cuộc hành trình từ những điểm xuất phát khác nhau.
Game cho bạn 3 tuyến truyện ứng với các Leader là 3 nhân vật có thể sử dụng Maiden Gun, đi cùng với mỗi Leader là một tổ đội với 5 Blood Maiden và con số này hay các nhân vật sẽ không được thay đổi cho đến hết game.
Việc điều khiển đồng thời cùng lúc 3 tổ đội khác nhau đã tạo thêm tính hấp dẫn cùng như tăng độ hóc búa cho việc giải đố trong Jail, ví dụ khi gặp một cánh cửa bị đóng thì việc bạn cần làm là tìm công tắc mở ra ở tuyến đường của tổ đội khác. Hay chẳng hạn party Jack cần một chiếc chìa khóa gỗ nhỏ để mở cổng, mà bạn lại nhặt được một cành cây ở tổ đội của Clara thì việc cần làm sẽ là chuyển nó cho tổ đội Zyu để sử dụng Blood Skill của Thumbelina biến cành cây thành chìa khóa gỗ nhỏ rồi chuyển cho Jack.
Ngoài ra việc mỗi tổ đội chỉ có đúng 5 thành viên, đồng nghĩa với việc bạn phải sử dụng tất cả các nhân vật mình được cung cấp, điều này lần đầu tiên khiến bản thân mình nghiêm túc suy nghĩ về tác dụng và nên học skill gì hay trang bị chức nghiệp nào cho lớp Mimic như Snow White và Gretel, dòng nhân vật nửa mùa về mọi mặt từ máu, SP, Str, Tec hay Def, Men… dòng nhân vật ngoài tác dụng có thể sử dụng Item thì theo vật lý cũng yếu và phép cũng chẳng mạnh hơn. Ngoài ra việc không có quá nhiều các chức nghiệp imba như fighter của Alice và Cinderella trong cùng 1 team, khiến bạn sẽ phải cân nhắc kĩ hơn cho việc Char nào sẽ trang bị lớp nghề gì để đảm bảo team có đủ tanker, dame dealer và nuker để cân bằng và đa dạng lượng dame của mỗi tổ đội. Tuy nhiên việc dự đoán tổ đội nào sẽ là nhóm tiếp theo đối mặt với Nightmare và Genocide Pink quá đơn giản, chỉ ngay sau Jail chung đầu tiên, bạn hoàn toàn sẽ có thể dự đoán được tổ đội nào sẽ đối mặt với boss tiếp theo, nếu điều này được làm một cách hoàn toàn ngẫu nhiên và khó đoán thì mọi chuyện sẽ còn thú vị hơn rất rất nhiều.
Cuối cùng mặc dù thời gian chơi không hề bị giảm đi so với các bản tiền nhiệm khi bạn vẫn phải mất khoảng 100 giờ chơi cho việc hoàn thành mạch truyện, nhưng do điều khiển luân phiên 3 tổ đội 1 lúc nên Mary Skelter Finale là phiên bản có mức level thấp nhất trong dòng khi chỉ cần khoảng level 35-40 là bạn hoàn toàn có thể đánh bại trùm cuối. Điều này cũng dẫn đến một vài tính năng như chuyển sinh cũng không quá quan trọng.
Cảm nhận: Đuối Hình, Vừa Âm
Cảm nhận đầu tiên của cá nhân mình khi chơi Mary Skelter Finale là phần đồ họa gần như không được cải tiến hay có gì đặc sắc. Nó không mang lại cảm giác thích thú hay choáng ngợp khiến mình hút hồn vào cái vẻ ma mị như trong phần 2. Và để chắc chắn lại quan điểm của bản thân, ngay khi tiếp tục viết bài review này mình đã lục tìm đĩa Mary Skelter 2 và trải nghiệm lại, và thực sự ngay khi đặt chân vào City Street là một sự u ám, huyền ảo đến mức ma mị.
Thẳng thắn mà nói đồ họa của Mary Skelter 2 và Mary Skelter Finale là tương tự nhau, thế nhưng các Jail trong bản Finale lại mang gam màu quá tươi sáng, nó thiếu đi cái vẻ u ám, rợn người, khiến nó không tạo ra được không khí căng thẳng, dồn dập pha chút sợ hãi mình chính các nhân vật đang trải qua như các phần trước. Yếu tố sợ hãi này cũng bị biến mất một phần đến từ tạo hình của đám Nightmares. Chắc nếu đã từng chơi qua các phiên bản trước, hẳn bạn vẫn còn nhớ pha jump scare thót tim khi màn hình bỗng dưng tối sầm lại và nguyên bộ mặt con mụ Queen of Hearts chình ình giữa màn hình cùng tiếng hét chói tai.
Thế nhưng với đám Nightmares được thiết kế trông khá đáng yêu và trông có phần ngu si thì liệu còn có ai cảm thấy sợ với màn xuất hiện của chúng?
Liệu "sẽ" có ai sợ hãi trước những tạo hình như thế này?
Không chỉ có ngoại hình độc đáo, dọa người. Mối liên kết của các Nightmares với Jail tương ứng của nó cùng nhân vật gắn liền với Jail đó là một trong những điểm ấn tượng của dòng game. Thế nhưng dù có cố liên tưởng thế nào mình cũng không thể tìm được điểm liên kết giữa các Nightmares với chính Jail của chúng hay với Genocide Pink quản lý Jail đó. Có chăng thì Jail Khu vui chơi do Guillotine quản lý có Nightmare là 1 tên hề với bóng bay và khi phá hủy bộ phận của nó thì sau cái mặt nạ là 1 cái máy chém, chắc là cũng có tí liên quan….
Với những ai yêu thích sưu tập CG hay những màn fan service thì bạn cũng sẽ phải khá thất vọng đấy, khi mà sau khi max độ thân mật với các nữ chính sẽ “chẳng có” một tấm CG nào như những người tiền nhiệm cả.
Về yếu tố nghe của tựa game, thì vẫn theo đúng yếu tố chính từ trước đến nay là sự ma quái, mộng mị. Thế nhưng tất cả chỉ dừng ở mức tròn vai đủ để khi nghe lại chúng bạn có thể gợi nhớ nó ở khung cảnh nào, jail nào chứ không đến mức ấn tượng sâu đậm như cách mà Labyrinth của City Street hay Tale of Hameln của Hameln Liberated District đã làm, nhưng bản nhạc mà chỉ cần nghĩ đến địa điểm là có thể nghĩ ra giai điệu đặc trưng của nó.
Nếu thực sự nói đến ấn tượng ở phiên bản Finale có lẽ chỉ có Wonderous Stories của Title Screen và ca khúc chủ đạo Katsubo no Dilemma có thể để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người chơi. Đặc biệt có thể kể đến ca khúc chủ đạo Katsubo no Dilemma (Song đề của dục vọng) ca khúc chủ đạo cuối cùng của dòng, và như để tri ân những người tiền nhiệm, bạn có thể dễ dàng nhận thấy những đoạn giai điệu của 2 bản opening trước là Witchcraft Theophile của phần 2 và Arakajime Ushinawareta Bokura no Ballad của phần Nightmares ở trong nó.
Kết
Cần khoảng gần 100h cho hoàn thành cốt truyện của game cùng hơn 100h cho Platinum trophy. Mary Skelter Finale mang đến cho người chơi rất nhiều cung bậc cảm xúc khi đồng hành cùng các nhân vật, đặc biệt trong phần kết thúc thực sự của Love Love Mary Skelter True End.
Sau khi hoàn thành trò chơi game vẫn lại cảm giác thiếu thiếu chưa thực sự thỏa mãn cho những ai là fan của dòng Mary Skelter không như những gì mà người tiền nhiệm mang số 2 và Remake làm được, nhất là game nhìn chung là dễ với những người chơi gạo cội.
Tuy nhiên phần game Finale đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình khi viết lên hồi kết cho một bản hùng ca đẫm máu mang tên Mary Skelter. Và nếu bạn là một fan của dòng game, chắc chắn đây là một phiên bản bạn cần phải chơi thử.
The Review
Đáng Trải Nghiệm!!!
PROS
- Ca khúc chủ đạo tuyệt vời
- Gameplay điều khiển cùng lúc 3 tổ đội thú vị và yêu cầu nhiều sự tính toán
- Xây dựng các nhân vật tốt, đặc biệt là quá trình trưởng thành nội tâm của các nhân vật
CONS
- Game chưa đủ khó
- Đoạn cuối của cốt truyện khá hụt hơi so với phần đầu
- Jail mất đi vẻ ma mị đáng sợ, Nightmares trở nên trông ngu si